Làm gì sau khi được chẩn đoán mắc mụn rộp sinh dục?12/03/2019 - 0

Mụn rộp sinh dục thường không có triệu chứng, vì vậy người bệnh có thể bị nhiễm bệnh và lây nhiễm cho người khác mà không hề biết. Nếu không có xét nghiệm đầy đủ thì có nguy cơ lây nhiễm cho bạn tình rất cao. Xét nghiệm chẩn đoán mụn rộp sinh dục kịp thời giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh và đẩy nhanh quá trình lành của mụn rộp.

1. Triệu chứng của mụn rộp sinh dục

Biểu hiện của mụn rộp sinh dục là những mụn nước nhỏ hay những nốt nhú trên niêm mạc vùng hậu môn hay vùng cơ quan sinh dục (ở âm hộ, dương vật và bìu). Các mụn nước mọc thành chùm có thể tiến triển thành những ổ loét; thường kèm đau nhói, cảm giác bỏng rát và ngứa tại chỗ. Bệnh rất dễ lây nhiễm trong đợt bùng phát cho đến khi các tổn thương lành sẹo hoàn toàn. Mụn rộp mọc ở xung quanh bộ phận sinh dục có thể lây nhiễm khi tiếp xúc da - da, vì vậy dù sử dụng bao cao su cũng vẫn bị lây nhiễm mụn rộp sinh dục từ quan hệ tình dục.

Khi bệnh tái phát, người bệnh bị sốt, nhức đầu, cơ thể mệt mỏi, chân tay đau nhức, nổi hạch bạch huyết, đau cơ, kém ăn uống. Hiếm gặp hơn là một số nam giới mắc bệnh mụn rộp sinh dục có thể xuất hiện thêm triệu chứng chảy dịch mủ từ lỗ sáo, đối với nữ giới là hiện tượng dịch tiết âm đạo ra nhiều hơn, có mùi hôi. Người bệnh mụn rộp sinh dục khi quan hệ tình dục sẽ đau rát, giảm khoái cảm, đi tiểu buốt, tiểu dắt nhiều lần trong ngày, nặng hơn có thể đi tiểu ra máu hoặc dịch mủ.

2. Các xét nghiệm chẩn đoán mụn rộp sinh dục

Các xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán hoặc sàng lọc mụn rộp sinh dục bao gồm:

·         Xét nghiệm PCR:

Xét nghiệm PCR có thể cho biết người bệnh có mắc mụn rộp sinh dục ngay cả khi người bệnh không có triệu chứng. Xét nghiệm PCR tìm kiếm các đoạn DNA của virus trong mẫu bệnh phẩm lấy từ các tế bào hoặc chất lỏng từ vết loét ở bộ phận sinh dục hoặc đường tiết niệu. Đây là một xét nghiệm thường được sử dụng để chẩn đoán mụn rộp sinh dục và rất chính xác.

·         Nuôi cấy tế bào:

Trong khi khám sức khỏe, bác sĩ sẽ chỉ định lấy mẫu tế bào từ vết loét và tìm virus herpes simplex (HSV) dưới kính hiển vi. Nuôi cấy tế bào hoặc xét nghiệm PCR có thể cho kết quả âm tính giả nếu vết loét đã bắt đầu lành hoặc nếu người bệnh mới bị nhiễm. Một xét nghiệm âm tính giả cho thấy người bệnh không nhiễm virus Herpes tuy nhiên trên thực tế người bệnh có bị nhiễm. Ngoài ra còn có kết quả xét nghiệm dương tính giả, có nghĩa là kết quả dương tính, tuy nhiên trên thực tế người bệnh không bị nhiễm virus Herpes.

·         Xét nghiệm khác

Xét nghiệm máu có thể phát hiện các kháng thể của virus Herpes, đó là các protein được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch để đáp ứng với khi bị nhiễm trùng. Với xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang trực tiếp, một dung dịch chứa kháng thể HSV và thuốc nhuộm huỳnh quang được cho vào mẫu bệnh phẩm nghi ngờ nhiễm virus Herpes. Nếu virus có trong mẫu bệnh phẩm, các kháng thể dính vào nó và phát sáng khi nhìn dưới kính hiển vi chuyên dụng. Xét nghiệm không thể cho biết thời điểm nào người bệnh bị nhiễm virus và có thể mất vài tuần để có thể hình thành kháng thể.

Xét nghiệm kháng thể có thể cho biết sự khác biệt giữa hai loại virus Herpes. Điều quan trọng cần phải biết là người bệnh bị nhiễm virus Herpes loại nào. Nếu bị nhiễm loại 2 (HSV-2), người bệnh có thể bùng phát bệnh thường xuyên hơn so với loại 1 (HSV-1) và cũng gây ra vết lở môi xuất hiện trên môi và quanh miệng.

3. Làm gì sau khi được chẩn đoán nhiễm mụn rộp sinh dục?

Khi được chẩn đoán mình bị mụn rộp sinh dục có thể khiến người bệnh bối rối, xấu hổ và tức giận. Người bệnh có thể nghi ngờ hoặc bực bội vợ/chồng/đối tác của mình nếu người bệnh nghĩ rằng anh ấy hoặc cô ấy đã lây nhiễm cho mình. Hoặc người bệnh có thể sợ bị từ chối bởi đối tác hiện tại hoặc đối tác trong tương lai.

Những cảm xúc kể trên phần lớn sẽ gặp ở những người bệnh được chuẩn đoán bệnh rộp sinh dục. Dưới đây là những cách đúng đắn để đối phó với việc bị mụn rộp sinh dục:

·         Nói chuyện với đối tác. Hãy cởi mở và trung thực về cảm xúc của bản thân. Tin tưởng đối tác và tin những gì anh ấy hoặc cô ấy nói với bạn. Đừng gán tội. Mụn rộp sinh dục có thể không hoạt động trong cơ thể người bệnh trong nhiều năm, vì vậy thường rất khó xác định thời điểm nào người bệnh bị nhiễm bệnh và ai là người truyền bệnh cho mình.

·         Tự giáo dục bản thân. Nói chuyện với bác sĩ hoặc tư vấn tâm lý để tìm hiểu làm thế nào để sống với tình trạng này và giảm thiểu khả năng lây nhiễm cho người khác. Tìm hiểu về các lựa chọn điều trị và cách đối phó với các đợt bùng phát của bệnh.

·         Khi đã mắc mụn rộp sinh dục, có nhiều cách điều trị để hạn chế các đợt bùng phát nhưng không thể làm hết hẳn virus, vì virus sẽ ở lại trong cơ thể suốt đời. Phụ nữ đã từng mắc mụn rộp muốn có thai, phải thông báo với bác sĩ tình trạng bệnh để cần được điều trị theo đúng chuyên khoa, tránh mọi nguy cơ lây nhiễm cho bé. Mụn rộp nguyên phát và mụn rộp cổ tử cung thường gây sẩy thai và đẻ non.

·         Để ngừa bệnh mụn rộp sinh dục cần thực hiện các biện pháp như: giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Quan hệ tình dục chung thủy với một bạn tình an toàn. Sử dụng bao cao su khi “yêu”. Nếu “yêu” qua đường miệng, phải dùng tấm lưới bảo vệ miệng. Vệ sinh cá nhân trước và sau khi quan hệ tình dục sạch sẽ. Không dùng chung kim tiêm hay các vật dụng có chứa máu, dịch nhầy, mủ của người nghi nhiễm bệnh... Nếu nghi ngờ mình và bạn tình có các biểu hiện của bệnh mụn rộp sinh dục hãy đi khám để có hướng điều trị phù hợp nhất.

 

 

 

Cùng chủ đề