Ngừa các di chứng sau tai biến mạch máu não24/12/2020 - 0

   Tai biến mạch máu não là một bệnh gây tử vong cao, nhất là ở người cao tuổi. Bệnh đang trở thành nỗi lo của xã hội nói chung và ngành y tế nói riêng bởi những di chứng sau tai biến mạch máu não gây ra cho người bệnh.

   Các di chứng sau tai biến mạch máu não

   Tai biến mạch máu não xảy ra khi việc cung cấp máu lên một phần hoặc toàn bộ não đột ngột bị ngưng trệ, dẫn đến các tổn thương não.Tùy vào phần não bị tổn thương, di chứng sau tai biến mạch máu não gây ra sẽ khác nhau:

- Rối loạn thị giác: Nếu bệnh nhân bị tắc động mạch hoặc tĩnh mạch võng mạc trung tâm sẽ gây thiếu máu võng mạc. Hậu quả là mất thị lực một bên hoặc hai bên. Đôi khi tắc động mạch cùng cảnh bên gây hiện tượng mù thoáng qua (mù Fugax).

- Rối loạn nhận thức: Di chứng sau tai biến mạch máu não này chiếm khoảng 60% bệnh nhân, là một trong những di chứng nặng nề nhất. Bệnh nhân bị sa sút trí tuệ, hay quên, không nhận ra người thân, mất khả năng định hướng thời gian, không gian,…

- Rối loạn ngôn ngữ: Nguyên nhân là do tổn thương vùng Broca khiến bệnh nhân không điều khiển được hệ phát âm (dây thanh âm, môi, lưỡi,…) để phát ra lời nói. Do đó, bệnh nhân có biểu hiện nói ngọng, âm điệu thay đổi, nói lắp,…

- Yếu hoặc liệt nửa người: Đây là di chứng phổ biến nhất, chiếm khoảng 90% bệnh nhân tai biến mạch máu não. Bệnh nhân bị liệt vận động nửa người, liệt tay chân, liệt mặt, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của bệnh nhân. Hơn nữa, việc không vận động trong thời gian dài có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân như lở loét da, cứng khớp, viêm đường hô hấp, đôi khi gây nhiễm trùng có thể dẫn đến tử vong.

- Hôn mê: Hiện tượng người thực vật.

- Một số di chứng khác: Tiểu tiện không tự chủ, khó nuốt, táo bón,…

2. Cách xử trí các di chứng sau tai biến mạch máu não

   Điều quan nhất trong giai đoạn này là phục hồi chức năng cho bệnh nhân càng sớm càng tốt, giảm các di chứng sau cơn tai biến.

- Nếu bệnh nhân bị liệt nửa người, cần phải tập luyện phục hồi chức năng càng sớm càng tốt. Nguyên tắc thực hiện từ đơn giản đến phức tạp theo mức độ phục hồi của bệnh nhân.

- Tập vận động sớm để tránh cứng khớp. Các khớp cần vận động là khớp vai, khớp khuỷu tay, khớp cổ-bàn-ngón tay, khớp gối - khớp háng, khớp cổ chân. Chú ý tập cả hai bên vì cơ thể là một thể thống nhất.

- Nếu bệnh nhân bị rối loạn chức năng nuốt thì cần duy trì dinh dưỡng bằng cách cho ăn qua ống thông dạ dày.

- Trường hợp không tự chủ tiểu tiện: Đặt ống thông Foley.

- Vệ sinh chỗ nằm cho bệnh nhân, lật người bệnh nhân ít nhất 2 lần/ ngày để tránh nhiễm trùng chỗ tỳ đè.

- Ngoài ra có thể sử dụng một số thuốc hỗ trợ cho bệnh nhân do bác sĩ chỉ định:

   + Thuốc chống động kinh;

   + Thuốc tăng cường tuần hoàn máu;

   + Kháng sinh phòng ngừa bội nhiễm…

   Cách phòng tránh các di chứng sau tai biến mạch máu não

- Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và kiểm soát yếu tố nguy cơ tai biến mạch máu não

   Trước tiên cần phải phát hiện và điều trị ổn định các bệnh lý về tim, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường,… vì đây là những bệnh gây nguy cơ tai biến mạch máu não cao nhất. Việc khám sức khỏe định kỳ giúp xác định bệnh sớm, từ đó có cách xử lý, điều trị kịp thời, giảm di chứng sau tai biến mạch máu não.

- Thực hiện chế độ ăn uống khoa học, giảm thiểu gốc tự do vào cơ thể

   Bệnh nhân cần hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa như mỡ động vật, nội tạng, đồ ăn nhanh vì đây là những thực phẩm tăng nguy cơ xuất hiện mảng bám cholesterol. Ăn hạn chế muối đối với người tăng huyết áp. Tăng cường các thực phẩm giàu chất xơ, vitamin, hạn chế hút thuốc lá, rượu bia, café…

- Thay đổi chế độ sinh hoạt khoa học

   Những bệnh nhân đã có tiền sử tai biến mạch máu não nên tránh làm việc căng thẳng mà cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Đồng thời kết hợp thể dục nhẹ nhàng để tăng lưu thông khí huyết.

   Với người cao tuổi chú ý thời tiết thay đổi, khi trời trở lạnh nên giữ ấm cơ thể, tránh tai biến lại.

Cùng chủ đề